Việt Nam sẽ hình thành đô thị sân bay đầu tiên trước khi siêu sân bay lớn nhất cả nước được đưa vào khai thác
Đây sẽ là đô thị sân bay đầu tiên được hình thành tại Việt Nam.
Theo quy hoạch chung đô thị sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045, được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phê duyệt, đô thị Long Thành sẽ có diện tích hơn 430km2, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Long Thành.
Quy hoạch này được xây dựng dựa trên việc khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái đặc trưng, cũng như lợi thế của Cảng hàng không quốc tế Long Thành và hệ thống hạ tầng kỹ thuật quốc gia cùng vùng để phát triển không gian đô thị và các khu chức năng phù hợp, qua đó tăng cường hiệu quả sử dụng đất.
Việt Nam sẽ có đô thị sân bay đầu tiên. Ảnh minh họa |
Theo ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai, đô thị Long Thành sẽ là mô hình đô thị sân bay đầu tiên của cả nước. Khu vực này, bao gồm đô thị sân bay Long Thành và vùng phụ cận, có tổng diện tích hơn 57.000ha, nằm trên địa phận ba huyện: Long Thành, Thống Nhất, và Cẩm Mỹ.
Cụ thể, khu vực lập quy hoạch chung bao phủ toàn bộ địa giới hành chính huyện Long Thành, trong khi vùng phụ cận mở rộng với diện tích hơn 14.000ha sẽ bao gồm các xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất), Xuân Quế, Sông Nhạn và Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai).
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Tấn Đức cho biết, với Đồ án Quy hoạch chung đô thị Long Thành đến năm 2045, tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu hoàn thành hồ sơ trình Bộ Xây dựng thẩm định trong tháng 6/2025. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các cơ quan chức năng sẽ triển khai lập quy hoạch phân khu đô thị, đảm bảo hoàn thành và phê duyệt trước tháng 6/2026, trùng thời điểm sân bay Long Thành giai đoạn 1 được đưa vào khai thác.
Công trường dự an sân bay Long Thành. Ảnh: Báo Xây Dựng |
Khi hoàn thành, đô thị sân bay Long Thành sẽ gắn kết chặt chẽ với sân bay Long Thành, trở thành cửa ngõ quốc gia kết nối với quốc tế. Đồng thời, đây cũng sẽ là trung tâm dịch vụ hậu cần sân bay, logistics, kho vận, công nghiệp đa ngành và công nghệ cao của vùng Đông Nam Bộ.
Liên quan đến dự án sân bay Long Thành, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV ngày 30/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc đầu tư giai đoạn 1 của sân bay.
Theo đó, dự án sẽ bao gồm hai đường cất hạ cánh phía Bắc, một nhà ga hành khách, cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất thiết kế 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Thời gian thực hiện dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 được kéo dài chậm nhất đến ngày 31/12/2026.
Giai đoạn 2 triển khai từ 2028-2032, nâng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu sau năm 2035, đưa công suất sân bay lên 100 triệu lượt khách/năm và giúp sân bay Long Thành trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.