Tuyến đường sắt 3,4 tỷ USD, nối tới sân bay lớn nhất Việt Nam có chuyển động mới
Khởi công nhiều công trình trọng điểm khi công bố quy hoạch tỉnh Bình Dương
Tại buổi họp báo lễ công bố quy hoạch tỉnh vào ngày 26/9 tới đây, ông Võ Anh Tuấn – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh sẽ cùng lúc khởi công, động thổ nhiều công trình trọng điểm.
Dự án dự kiến khởi công trước năm 2030 và hoàn thành vào năm 2035.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt văn kiện phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại để hỗ trợ kỹ thuật cho việc rà soát và đánh giá kết quả Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành. Khoản hỗ trợ trị giá 34,7 tỷ đồng (tương đương 1,439 triệu USD) do Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) tài trợ thông qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), được thực hiện từ năm 2024 đến 2025.
Mục tiêu của khoản hỗ trợ này là nâng cao chất lượng và tính khả thi của hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do tư vấn Việt Nam lập, đồng thời đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế. Ngoài ra, các chuyên gia Hàn Quốc sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ tư vấn và quản lý dự án tại Việt Nam thông qua các khóa học và nghiên cứu thực tiễn về đầu tư, quản lý và khai thác hệ thống đường sắt điện khí hóa tại Hàn Quốc.
Tuyến đường sắt 3,4 tỷ USD, nối tới sân bay lớn nhất Việt Nam có chuyển động mới – Ảnh minh hoạ |
Dự án đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, được quy hoạch từ nhiều năm trước, là một tuyến giao thông trọng yếu kết nối ga Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức, TP. HCM) với Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai). Đây là dự án có vai trò quan trọng trong việc giảm tải cho hệ thống giao thông hiện tại và rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP. HCM và sân bay Long Thành.
Theo kế hoạch, tuyến đường sắt này sẽ bắt đầu từ ga Thủ Thiêm, phường An Phú, TP. Thủ Đức và kết thúc tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, với tổng chiều dài 41,83km, bao gồm thêm 4,4km đường dẫn vào depot. Tốc độ thiết kế tối đa đạt 120km/h trên đoạn chính tuyến và 90km/h cho các đoạn đi ngầm.
Tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành có ba phần chính: đi trên cao, đi ngầm và trên mặt đất. Trong đó: Đoạn đi trên cao, gồm cầu cạn và cầu vượt sông, dài 30,67km, chiếm 66,34% tổng chiều dài; đoạn đi ngầm dài 15,13km, chiếm 32,73%; đoạn trên nền đất chỉ chiếm 0,43km.
Toàn tuyến sẽ có 20 nhà ga, gồm 16 ga trên cao và 4 ga ngầm, cùng 1 depot tại xã Cẩm Đường (huyện Long Thành) rộng 21,4ha và một bãi đỗ tàu rộng 1,2ha tại Thủ Thiêm. Một trong những điểm đáng chú ý là tuyến sẽ vượt sông Đồng Nai tại một điểm lớn và được trang bị nhiều trạm điện để hỗ trợ vận hành.
Dự án đòi hỏi khoảng 140,11ha đất và có khả năng chuyên chở lên tới 40.000 người mỗi giờ mỗi hướng. Đây không chỉ là tuyến đường sắt kết nối TP. HCM với sân bay Long Thành mà còn giúp phát triển các đô thị dọc theo tuyến, giảm tải cho hệ thống đường bộ hiện tại, đặc biệt là cao tốc TP. HCM – Long Thành.
Tổng mức đầu tư của dự án lên đến 84.752 tỷ đồng (tương đương 3,454 tỷ USD), bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư ước tính khoảng 5.504 tỷ đồng. Dự án dự kiến khởi công trước năm 2030 và hoàn thành vào năm 2035. Khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt này sẽ mang lại lợi ích lớn về mặt kinh tế, giao thông và phát triển đô thị không chỉ cho TP. HCM mà còn cho toàn bộ khu vực Đông Nam Bộ.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư hơn 16 tỷ USD, được triển khai qua ba giai đoạn: Giai đoạn 1 dự kiến khai thác vào năm 2026 với công suất 25 triệu lượt khách/năm, vốn đầu tư 5,45 tỷ USD.
Giai đoạn 2, từ năm 2028 đến 2032, sẽ nâng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm.
Giai đoạn 3 bắt đầu sau năm 2035, với mục tiêu đạt công suất 100 triệu lượt khách/năm, biến Long Thành thành sân bay lớn nhất Việt Nam.