Trình Chính phủ dự án vành đai 4 TP.HCM, mở kỷ nguyên mới từ con đường lớn nhất Đông Nam Bộ
Danh mục
Ngày 23-11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký tờ trình gửi Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP.HCM.
TP.HCM nhận định xây dựng đường vành đai 4 TP.HCM là để hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng và nhà nước về phát triển vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM.
Đồng thời, cụ thể hóa mục tiêu của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tạo tiền đề để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đầu tư vành đai 4 TP.HCM sẽ tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế
Theo tờ trình của UBND TP.HCM, vành đai 4 TP.HCM tạo ra trục giao thông chiến lược kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và Tây Nguyên góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Con đường hình thành sẽ mở không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng nguồn lực đất đai, góp phần hình thành tuyến vành đai công nghiệp, đô thị, logistics…
Vành đai 4 TP.HCM sẽ thúc đẩy lưu thông hàng hóa từ các khu công nghiệp, khu đô thị đến các cảng biển, cảng hàng không quốc tế Long Thành và ngược lại. Xe cộ đi liên tỉnh sẽ được phân luồng từ xa, không phải đi qua khu vực tập trung đông dân cư, giảm đáng kể thời gian hành trình, chi phí vận tải, hạn chế ách tắc, giảm ô nhiễm môi trường khu vực đô thị.
Cụ thể, các xe hướng tây bắc – đông nam và ngược lại có thể kết nối thuận lợi hỗ trợ các luồng giao thông bên ngoài phạm vi đường vành đai 3 TP.HCM. Các xe từ quốc lộ 13, quốc lộ 22 có thể tiếp cận khu vực cảng phía Long An, cảng Hiệp Phước (TP.HCM) một cách thuận lợi.
Tuyến đường mở thêm một hướng kết nối giữa Bình Dương với sân bay Long Thành ngoài hướng vành đai 3 – cao tốc TP.HCM – Long Thành.
Theo UBND TP.HCM, hệ thống hạ tầng giao thông luôn đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội, là chỉ số quan trọng để đánh giá năng lực cạnh tranh của các quốc gia.
Trên thực tế tại nước ta, các địa phương có đường bộ cao tốc kết nối đều có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước, góp phần xóa đói giám nghèo, nâng cao đời sống, tạo diện mạo mới cho các địa phương.
Vì vậy, việc tiếp tục và đẩy mạnh đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đặc biệt là các tuyến đường vành đai là rất quan trọng, sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Vành đai 4 TP.HCM được đầu tư quy mô ra sao?
Cũng theo tờ trình, tổng chiều dài dự án vành đai 4 TP.HCM trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dài 159,31km. Trong đó, dự án qua Bà Rịa – Vũng Tàu 18,23km, qua Đồng Nai 46,08km, TP.HCM dài khoảng 16,7km, qua Long An dài 78,3km (bao gồm đoạn qua Long An dài 74,5km, đoạn qua địa phận TP.HCM dài 3,8km)
Riêng đoạn đi qua tỉnh Bình Dưong khoảng 47,95km triển khai đầu tư độc lập theo chủ trương đầu tư dự án đã được HĐND tỉnh thông qua. UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản cam kết trong giai đoạn 1 dự án sẽ điều chỉnh để đảm bảo tiêu chuẩn đường cao tốc theo ý kiến của Bộ Giao thông vận tải.
Về quy mô dự án vành đai 4 TP.HCM, giai đoạn 4, các địa phương TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 8 làn. Tuyến chính cao tốc sẽ đầu tư 4 làn và 2 làn khẩn cấp, đồng thời các địa phương làm đường gom, đường song hành hai bên.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 sơ bộ khoảng 122.774,28 tỉ đồng, thực hiện theo hợp đồng BOT. Trong đó, vốn huy động từ nhà đầu tư và vốn vay khoảng 53.109 tỉ đồng (bao gồm lãi vay), còn lại là vốn ngân sách.
Sau khi chủ trương đầu tư dự án được thông qua, các địa phương sẽ lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2025 và triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư từ 2025-2026. Các dự án thành phần qua các địa phương sẽ khởi công xây dựng từ quý 3-2026 và hoàn thành năm 2028.
Sở GTVT TP.HCM được giao vai trò tổ trưởng, hoàn thiện tờ trình dự án lớn nhất Đông Nam Bộ
Để đáp ứng yêu cầu cấp bách, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã thành lập tổ công tác chuẩn bị, tham mưu, trình chủ trương đầu tư do Sở GTVT TP.HCM làm tổ trưởng.
Đây là dự án đường bộ có quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở vùng Đông Nam Bộ, khối lượng công việc rất lớn, trong khi thời gian chuẩn bị hồ sơ tổng thể rất gấp.
Đồng thời, lãnh đạo UBND TP cũng yêu cầu các sở ban ngành, đơn vị của TP phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT TP.HCM tập trung cao độ, bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm cao nhất tham gia xuyên suốt để hoàn thành nhiệm vụ được giao…
Thời gian qua Sở GTVT TP.HCM đã phối hợp các Sở Giao thông vận tải các địa phương cùng đơn vị tư vấn tổng thể… hoàn thiện hồ sơ dự án. Việc hoàn thiện hồ sơ và TP.HCM chính thức trình Thủ tướng chính là bước tiến quan trọng để các cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định trước khi trình Quốc hội thông qua chủ trương vào kỳ họp đầu năm 2025.
Tuyến vành đai liên vùng thực tế chỉ đi qua địa bàn TP.HCM khoảng 20km, chiếm tỉ lệ khiêm tốn so với hơn 200km toàn tuyến.
Tuy nhiên với vai trò đầu tàu của cả vùng, TP.HCM đã đứng ra nhận nhiệm vụ làm cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổng thể trên cơ sở tổng hợp từ báo cáo các dự án thành phần đã được các địa phương tổ chức lập.