Tiền gửi ngân hàng kỷ lục hơn 14 triệu tỷ đồng
Tiền gửi tại hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 9 đạt hơn 14 triệu tỷ đồng, tăng 4,9% so đầu năm, song tốc độ huy động vẫn chậm hơn so với tín dụng.
Số liệu trên vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố. Trong đó, tiền gửi của khu vực dân cư tăng 6,5% so với đầu năm, đạt 6,96 triệu tỷ đồng. Còn tiền gửi của nhóm tổ chức kinh tế tăng 3,43%, đạt hơn 7,07 triệu tỷ.
Tốc độ huy động của các ngân hàng 9 tháng đầu năm nay vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (7,3%). Tuy nhiên, huy động vốn đã cải thiện đáng kể trong quý III. Trước đó, huy động vốn của ngành ngân hàng đến hết tháng 6 mới tăng khoảng 1,5% so với đầu năm.
Tốc độ huy động vốn chậm hơn so với tín dụng khiến chênh lệch giữa dư nợ cho vay và số dư tiền gửi duy trì ở mức cao. Điều này, theo nhận định của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) có thể gây áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động, đặc biệt ở các nhà băng quy mô nhỏ. Gần đây, xu hướng tăng lãi suất tiền gửi cũng diễn ra chủ yếu ở các nhà băng tư nhân, trong khi nhóm quốc doanh giữ ổn định.
Theo thống kê của VCBS, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn trung bình toàn hệ thống tính đến giữa tháng 9 tăng thêm 0,3-0,5% ở hầu hết kỳ hạn, so với mức đáy vào cuối tháng 4, nhưng vẫn thấp hơn 1-3% so với đầu năm nay.
VCBS đánh giá, lãi suất huy động có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Nhóm ngân hàng quốc doanh được kỳ vọng duy trì lãi suất ổn định để hỗ trợ nền kinh tế. Trong khi đó, áp lực tăng lãi suất huy động cao hơn với nhóm tư nhân, nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đặc biệt với những ngân hàng có mức độ phụ thuộc vào tiền gửi khách hàng lớn và cơ cấu huy động vốn kém linh hoạt.