Thông tin mới nhất về cao tốc hơn 17.000 tỉ đồng qua tỉnh Bình Dương
Tổng mức đầu tư dự án cao tốc Tp.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đoạn qua Bình Dương là 17.408 tỷ đồng (bao gồm lãi vay). Vốn tham gia của Nhà nước là 8.530 tỷ đồng. Dự án sẽ được khởi công vào cuối năm 2024 và hoàn thành 2027.
Mới đây, CTCP Tập đoàn Đèo Cả đã công bố báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đầu tư xây dựng cao tốc Tp.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương theo phương thức đối tác công tư PPP.
Theo đó, tuyến đường cao tốc đoạn Tp.HCM – Chơn Thành thuộc Quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh có điểm đầu tại vành đai 3 Tp.HCM và điểm cuối tại khu vực thị trấn Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Tổng mức đầu tư dự án là 17.408 tỷ đồng (bao gồm lãi vay). Vốn tham gia của Nhà nước là 8.530 tỷ đồng. Dự kiến đảm nhiệm các hạng mục bao gồm toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ chi phí xây dựng khoảng 246 tỷ đồng. Vốn huy động từ Nhà đầu tư: 8.878 tỷ đồng; trong đó 70% vốn vay ngân hàng, 30% vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.
Đoạn tuyến cũng được xác định trong mạng lưới hệ thống đường cao tốc trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Nghị quyết ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh Bình Dương giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan chủ quản và Liên danh Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP – CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật – CTCP Tập đoàn Đèo Cả – CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cao tốc Tp.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành – đoạn qua tỉnh Bình Dương theo phương thức đối tác công tư.
Theo nhà đầu tư đề xuất dự án là Tập đoàn Đèo Cả, điểm đầu của tuyến đường nằm tại vành đai 3 Tp.HCM thuộc địa phận TP Thuận An; điểm cuối nằm tại ranh giới tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước (Km52 +247 theo lý trình dự án). Tổng chiều dài tuyến gần 46 km.
Tổng diện tích đất GPMB của dự án khoảng 322,5 ha. Trong đó, hiện trạng bao gồm diện tích đất chuyên trồng lúa nước là 37 ha; đất ở 8 ha; đất vườn: 7,5 ha; đất bằng trồng cây hàng năm gần 227 ha; đất khu công nghiệp 13,5 ha; đất giao thông khoảng 14,5 ha; đất công cộng, đất khác khoảng 14 ha; đất sông, ngòi, suối khoảng 1 ha. Dự án này di dân, tái định cư khoảng 375 hộ.
Mục tiêu xây dựng cao tốc Tp.HCM – Chơn Thành là trục cao tốc Bắc Nam của tỉnh Bình Dương, Bình Phước (trục xuyên tâm cắt qua đường vành đai 4, vành đai 3, dẫn đến đường Vành đai 2 thành phố Hồ Chí Minh), nối tiếp tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước).
Do đó, tuyến cao tốc này có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội gắn với củng cố an ninh quốc phòng của vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ và cần sớm được đầu tư để tạo động lực phát triển, hạn chế tăng chi phí theo thời gian.