Nới room tín dụng: Ngân hàng tập trung vốn cho phục hồi kinh tế
Một số ngân hàng được tăng thêm hạn mức tín dụng đã ngay lập tức lên kế hoạch tập trung vốn phân bổ những lĩnh vực ưu tiên và ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế.
Ngân hàng sẽ tập trung vốn vào lĩnh vực ưu tiên
Việc Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng được coi là tin vui để các ngân hàng có thêm nguồn vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh.
Liệu số hạn mức tín dụng này có đáp ứng được “cơn khát “vốn của doanh nghiệp hiện nay hay không? Bởi thực tế cho thấy nhu cầu vay vốn của cá nhân, doanh nghiệp là rất cao.
Sẽ tập trung vốn vào lĩnh vực ưu tiên
Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là một trong những ngân hàng được thị trường kỳ vọng có dư địa tăng trưởng cao nhất vừa được nới thêm 2,7% so với mức trần cũ là 15% (tương đương có thêm hạn mức khoảng 32.000 tỷ đồng bơm ra nền kinh tế). Như vậy, hạn mức tín dụng mới của cả năm ngân hàng này là 17,7%. Hết tháng Tám, Vietcombank đã tăng trưởng tín dụng 14,7% so với đầu năm.
Ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc phụ trách ban điều hành của Vietcombank cho hay ngân hàng sẽ tiếp tục kiểm soát, tăng trưởng tín dụng vào những lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, kiểm soát tốt thanh khoản, rủi ro tín dụng đảm bảo nợ xấu được kiểm soát ở mức độ thấp.
“Bên cạnh đó duy trì mặt bằng lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay, đảm bảo ở mức hợp lý, hỗ trợ cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế cũng như phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp,” ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, để được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng thêm 2,7% dư nợ tín dụng tối đa đến cuối năm 2022, trong thời gian vừa qua, Vietcombank đã nỗ lực để đạt được xếp hạng hạng A theo Thông tư 52 của Ngân hàng Nhà nước về quy định xếp hạng các tổ chức tín dụng, chi nhánh các ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, Vietcombank đã thực hiện tốt các tiêu chí, chỉ tiêu về an toàn vốn, về thanh khoản, về chất lượng điều hành cũng như đạt kết quả tốt về hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đã thực hiện tốt các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước như giảm lãi suất, cho vay đối với doanh nghiệp và người dân cũng như hỗ trợ cho tổ chức tín dụng yếu kém.
Trong khi đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là một trong những ngân hàng cổ phần tư nhân được nới room ở mức cao nhất, tới 4% và nâng tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm lên 11%. Như vậy, từ nay đến cuối năm, Sacombank sẽ còn khoảng 15.000 tỷ đồng để cung ứng ra nền kinh tế.
Lãnh đạo ngân hàng cho biết room tín dụng được cấp thêm sẽ hướng vào các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Còn với bất động sản, việc cho vay sẽ tiếp tục hạn chế hoặc nếu có chỉ là thực hiện những hợp đồng đã cam kết cấp tín dụng từ trước.
Ông Hàn Ngọc Vũ – Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) cũng cho biết cùng với tập trung cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, VIB cũng dự định tăng cho vay tiêu dùng như mua nhà, mua xe và tập trung tăng trưởng thẻ tín dụng nhằm kích thích nhu cầu chi tiêu của người dân, qua đó tạo sức tiêu thụ cho các sản phẩm của doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Vũ Thành Trung – thành viên ban điều hành Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) cũng cho biết:” Với việc được nới room thêm 3,2%, tương đương tăng thêm 12.000 tỷ đồng, chúng tôi định hướng trong vòng 1 tháng tới số vốn này sẽ được phân bổ vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đây là lĩnh vực có nhu cầu vốn rất lớn trong thời gian qua.”
Chưa thỏa mãn “cơn khát” vốn
Dù không công bố con số cụ thể từng ngân hàng được nới bao nhiêu nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) được tăng tín dụng thêm 3,5%, tương ứng dư địa tăng tín dụng thêm khoảng 50.000 tỷ đồng.
Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, room tín dụng được cấp phổ biến quanh mức 3%. Tuy nhiên, do quy mô tín dụng nhỏ, kể cả các ngân hàng tư nhân lớn, thì hạn mức tín dụng tăng thêm chỉ trên 10.000 tỷ đồng, còn ở ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, hạn mức tín dụng chỉ tăng thêm 1.000-2.000 tỷ đồng.
Như vậy, nhiều khả năng, trong đợt cấp room tín dụng lần này, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa “xài” hết room tăng trưởng của cả năm là 14%. Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh room tín dụng dè dặt, theo nhiều chuyên gia là “như muối bỏ bể” so với cơn khát vốn của doanh nghiệp hiện nay.
Nhân viên tín dụng của một ngân hàng có vốn nhà nước cho hay sau khi được cấp thêm room, chi nhánh nơi cô công tác vẫn không tiếp nhận hồ sơ vay mới, chỉ giải quyết cho các hợp đồng đã ký nhưng chưa được giải ngân.
Ở nhóm ngân hàng không được nới trần tín dụng lần này, dư địa cho vay càng khó hơn. Giám đốc chi nhánh Hà Nội của một ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ cho biết ngân hàng ông không thuộc tốp 15 được nới room. Tình thế này khiến chi nhánh phải điều chỉnh danh mục cho vay hiện tại, tăng cường thu hồi nợ quá hạn và giảm dư nợ với một số khách doanh nghiệp lớn lãi suất thấp để chuyển sang cho vay cá nhân có mức lãi suất cao hơn.
Ông Nguyễn V.H., giám đốc tài chính của một công ty chuyên xuất nhập khẩu gốm sứ ở Hải Dương, cho biết sáng 7/9 đã được giải ngân 24,5 tỷ đồng sau 2 tháng mòn mỏi chờ đợi.
“Tuy nhiên, số vốn được giải ngân mới chỉ đáp ứng một nửa khoản vay trong hợp đồng. Mặt khác, lãi vay tăng lên 9,2%/năm, cao hơn 0,7% so với hồi đầu năm. Nhưng doanh nghiệp vẫn phải vay để nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất cho năm nay và năm sau,” ông Nguyễn V.H. nói.
Hiện cũng đang có một số ý kiến đề xuất liệu có thể cân nhắc tiến tới việc gỡ bỏ trần tín dụng để tạo cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Vấn đề này cũng đã được các chuyên gia đưa ra nhiều tại các cuộc họp, tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến trái chiều.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng năm nay Ngân hàng Trung ương các nước cũng như Việt Nam tương đối khó khăn, một mặt là phải kiểm soát lạm phát, mặt khác cũng phải hỗ trợ để phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.
“Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, đây là định hướng đề ra từ đầu năm, đến nay Ngân hàng Nhà nước vẫn đang kiên định với mục tiêu đó. Tuy nhiên, nếu như đến cuối năm nhu cầu vốn thực của nền kinh tế cao và những mục tiêu khác vẫn đảm bảo được thì tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét tăng thêm một chút nhằm đáp ứng nhu cầu vốn thực của nền kinh tế.”
Tuy nhiên, theo ông Lực, song song với đó cần phải phát triển cả những kênh huy động vốn khác để hỗ trợ cho doanh nghiệp như phát hành trái phiếu doanh nghiệp vì đây là kênh dẫn vốn quan trọng từ thị trường trung, dài hạn cho nền kinh tế.
Ông Lực cũng lưu ý doanh nghiệp cần quan tâm hơn về đa dạng hóa nguồn vốn và kiểm soát rủi ro nhất là rủi ro về tỷ giá, lãi suất và nợ lẫn nhau…
Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng việc để các tổ chức tín dụng tự do tăng trưởng có thể sẽ gây ra một số hệ lụy, rủi ro nợ xấu nên chính sách cần linh hoạt song vẫn phải thận trọng. Thời điểm này, cơ quan quản lý vẫn cần kiểm soát một số lĩnh vực tăng trưởng nóng thời gian qua như bất động sản, chứng khoán. Do vậy, trước mắt vẫn nên giữ công cụ này./.