Ngăn nguy cơ thiếu giao thông kết nối sân bay Long Thành: Tăng tốc triển khai quy hoạch
Danh mục
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mạng lưới giao thông kết nối CHK Long Thành đã sớm được Bộ GTVT tính toán, đề cập trong các quy hoạch chuyên ngành, đáp ứng nhu cầu vận tải trong từng giai đoạn.
Quy hoạch mạng kết nối theo 5 hướng chính
“Nhiều năm trước, thời điểm cầu Nhật Tân chưa hoàn thành, kết nối với sân bay Nội Bài chỉ duy nhất có tuyến đường Bắc Thăng Long – Nội Bài. Cao điểm cầu Thăng Long liên tục tê liệt, Thủ tướng Chính phủ khi ấy đã yêu cầu cơ quan chuyên môn nghiên cứu làm cầu phao để giải tỏa ách tắc.
Bản đồ quy hoạch hệ thống giao thông kết nối CHK quốc tế Long Thành.
CHK Long Thành hiện đang gặp tình cảnh tương tự, kết nối về trung tâm TP.HCM hiện chỉ có cao tốc TP.HCM – Long Thành. Việc sớm đầu tư và tăng tốc tiến độ các dự án với sân bay này là điều cấp thiết”, chia sẻ về bài toán kết nối sân bay Long Thành, một cán bộ ngành GTVT (xin giấu tên) bày tỏ sự trăn trở.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Văn Đạt, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết, theo các quy hoạch chuyên ngành quốc gia về GTVT, kết nối với CHKQT Long Thành theo 5 hướng chính gồm: Hướng từ khu vực TP.HCM; hướng từ Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Campuchia; hướng từ Lâm Đồng, Bình Thuận và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ; hướng từ Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và hướng từ các tỉnh vùng ĐBSCL.
Trong đó, hướng từ khu vực TP.HCM là hướng kết nối quan trọng nhất, chiếm khoảng 65,4 – 70,6% nhu cầu giao thông kết nối của Cảng HKQT Long Thành.
“Nhu cầu là rất lớn, song, hiện tại, từ sân bay Long Thành về TP.HCM chỉ có lựa chọn duy nhất là đi cao tốc TP.HCM – Long Thành luôn quá tải. Nếu không tăng thêm năng lực hạ tầng hoặc mở các tuyến mới. Tình trạng ùn tắc sẽ diễn biến ngày càng phức tạp, kéo giảm sức hút của sân bay”, ông Đạt nói và cho biết, theo quy hoạch được Bộ GTVT nghiên cứu, hướng CHK quốc tế Long Thành – TP.HCM có 7 tuyến kết nối.
“Việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng Đông Nam Bộ là cực kỳ cấp bách, nhất là khi sân bay Long Thành đang chuẩn bị đưa vào khai thác.
Vừa qua Chính phủ đã huy động các nguồn lực để đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông cho khu vực như Vành đai 3, cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu, Bến Lức – Long Thành… là những nỗ lực rất lớn.
Tuy vậy, tiến độ của các dự án này đang chậm so với kế hoạch hoàn thành của sân bay Long Thành. Cần có những quyết sách để thúc đẩy tiến độ của các dự án này nhanh hơn, đồng bộ với sân bay khi đưa vào hoạt động”, TS Trần Du Lịch.
Tuyến thứ nhất, từ sân bay Long Thành theo cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc TP.HCM – Long Thành, Đường Vành đai 2, các trục hướng tâm hoặc các tuyến trục chính đô thị của TP.HCM (ít gián đoạn, giao cắt khác mức).
Tuyến thứ 2: ĐT25C (QL20B) → cầu Cát Lát → đường Vành đai 2 → các trục hướng tâm hoặc hệ thống đường khác mức.
Tuyến thứ 3: ĐT25C (QL20B) → cao tốc Bến Lức – Long Thành → đường Trục động lực (QL50B).
Tuyến thứ 4: ĐT25C (QL20B) → đường Vành đai 3 → các trục hướng tâm & hệ thống đường khác mức.
Tuyến thứ 5: ĐT25C (QL20B) – kết nối qua hướng cầu Phú Mỹ 2 – các trục hướng tâm và hệ thống đường khác mức.
Tuyến thứ 6: Đường sắt tốc độ cao đến ga Thủ Thiêm, chuyển tiếp bằng đường sắt đô thị vào trung tâm thành phố.
Tuyến thứ 7: Đường sắt nhẹ Long Thành – Thủ Thiêm, chuyển tiếp bằng đường sắt đô thị vào trung tâm thành phố.
Theo lãnh đạo Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, khi CHK quốc tế Long Thành đưa vào khai thác, các dự án: Cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu, ĐT25C (QL20B), nút giao thông An Phú (TP.HCM) cần đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ năm 2025.
Đường Vành đai 3 TP.HCM đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành tuyến chính cao tốc vào năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.
“Bảo đảm hiệu quả kết nối, đường Vành đai 2 TP.HCM phải được ưu tiên khép kín, đẩy tiến độ hoàn thành đoạn còn lại từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp và từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng vào năm 2026 so với kế hoạch dự kiến là năm 2027.
Năm 2026, cao tốc Bến Lức – Long Thành cũng cần phải cán đích”, ông Đạt nhận định.
Đến năm 2030, loạt dự án giao thông cần phải hoàn thành, gồm: mở rộng cao tốc đoạn TP.HCM – Long Thành lên 10 làn xe; hoàn thành đưa vào khai thác cầu Phú Mỹ 2, cầu Đồng Nai 2, cầu thay phà Cát Lái theo quy mô quy hoạch 8 làn xe; ưu tiên đầu tư các đường trục chính đô thị (ít gián đoạn, chủ yếu giao cắt khác mức); đẩy nhanh đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành và đầu tư tuyến MRT số 2 TP.HCM.
Cùng đó là đẩy nhanh đầu tư xây dựng các tuyến kết nối CHK Long Thành như: Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, đường Vành đai 4 TP.HCM, cao tốc TP.HCM – Chơn Thành, TP.HCM – Mộc Bài.
Sau năm 2030, các dự án cần được chú trọng tăng kết nối với sân bay Long Thành gồm: tuyến MRT số 6 TP.HCM, đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành; đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; mở rộng các tuyến cao tốc bảo đảm đạt quy mô quy hoạch: Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM.
“Hiện nay, quy hoạch và lộ trình đầu tư các dự án đã khá rõ ràng. Trong loạt dự án kể trên, việc sớm đầu tư tuyến metro số 2, số 6 của TP.HCM, đặc biệt là các cầu: Đồng Nai 2, Phú Mỹ 2, cầu thay phà Cát Lái là hết sức cần thiết.
Đơn cử như khu vực phà Cát Lái hiện ùn tắc thường xuyên, thời gian qua phà có thời điểm lên đến 2 – 3 tiếng. Đó là điểm nghẽn lớn”, lãnh đạo Viện Chiến lược và Phát triển GTVT chia sẻ.
Địa phương tăng tốc kết nối vành đai
Tuyến Vành đai 3 TP.HCM có chiều dài 76km, đi qua 4 địa phương gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An với tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng. Đây được đánh giá là tuyến đường huyết mạch kết nối các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là kết nối sân bay Long Thành.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, trên tuyến đường vành đai này, công trình cầu Nhơn Trạch thuộc dự án thành phần 1A đang được tăng tốc về đích sớm vào ngày 30/4/2025.
“Lúc đó, các phương tiện từ TP.HCM theo cao tốc TP.HCM – Long Thành, khi đến nút giao với Vành đai 3 có thể rẽ phải theo hướng cầu Nhơn Trạch, về khu đô thị Nhơn Trạch để đi qua sân bay Long Thành”, ông Thi nói.
Thách thức lớn nhất hiện tại là nút giao giữa Vành đai 3 và cao tốc TP.HCM – Long Thành đang “hụt hơi” tiến độ.
“Nói đến mạng lưới giao thông kết nối sân bay, chúng ta cần xét đến vấn đề tổng thể, toàn diện.
Cùng với hệ thống cao tốc được Trung ương quy hoạch và đang đẩy mạnh đầu tư, TP.HCM cũng phải tính toán hệ thống đường kết nối với trục chính đi CHK quốc tế Long Thành đã đủ chưa? Có đáp ứng năng lực giải tỏa khi lượng lớn phương tiện từ sân bay đi cao tốc di chuyển vào.
Mạng giao thông quan trọng hơn là đường lớn, nhất là đối với các đô thị. Đô thị mở đến đâu, mạng giao thông phải mở đến đó.
Nói một cách khác, giải quyết bài toán kết nối CHK quốc tế Long Thành không chỉ là nhiệm vụ của bộ, ngành Trung ương mà địa phương đóng vai trò rất quan trọng.
Kinh nghiệm trên thế giới, giải quyết nguy cơ ùn tắc trong mạng kết nối cao tốc với hệ thống giao thông đô thị, việc nghiên cứu, đầu tư các nút giao khác mức cũng là vấn đề phải sớm tính tới”, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Đầu tư (Bộ GTVT).
Về vấn đề trên, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban quản lý dự án TP.HCM) cho biết, đơn vị đã yêu cầu các nhà thầu tập trung tiến độ hai nhánh kết nối lên xuống với cầu Nhơn Trạch để đưa vào khai thác đồng bộ.
“Ngoài ra, đoạn tuyến Vành đai 3 từ nút giao với cao tốc TP.HCM – Long Thành đến nút giao Tân Vạn (Bình Dương) chủ yếu là cầu cạn đang được đẩy nhanh tiến độ, thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2025. Các đoạn tuyến khác và đường song hành sẽ hoàn thành trong năm 2026.
Các công trình hoàn thành sẽ có một đường vành đai tương đối hoàn chỉnh để người dân các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương… đi đến sân bay Long Thành thuận lợi mà không phải đi xuyên qua TP.HCM”, đại diện Ban quản lý dự án TP.HCM nói.
Đối với kế hoạch khép kín đường Vành đai 2, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, hai đoạn tuyến của Vành đai 2 ở phía Đông gồm đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp) và đoạn 2 (từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng) cũng đang chuẩn bị các thủ tục để đầu tư.
Trong đó, đoạn 1 có chiều dài 3,5km, tổng mức đầu tư khoảng 9.328 tỷ đồng. Đoạn 2 dài 2,8km, tổng vốn đầu tư khoảng hơn 4.500 tỷ đồng.
“Cả hai dự án đã được HĐND thành phố thông qua kế hoạch vốn triển khai trong năm 2025, hoàn thành năm 2027.
Khi đó, các việc kết nối giữa sân bay Tân Sơn Nhất với sân bay Long Thành cũng có phần thuận lợi hơn.
Các phương tiện từ sân bay Tân Sơn Nhất theo đường Phạm Văn Đồng, đến nút giao Vành đai 2, theo đường Vành đai 2 để đi lên cao tốc TP.HCM – Long Thành và về sân bay Long Thành”, ông Lâm nói và cho biết thêm, riêng dự án đường Vành đai 4, vừa qua TP.HCM đã chủ trì cùng với các địa phương hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Bộ Kế hoạch Đầu tư xem xét, báo cáo Chính phủ.
Theo kế hoạch, nếu thuận tiện trong việc lựa chọn nhà đầu tư, cũng phải đến năm 2026 mới triển khai, đến 2028 mới hoàn thành từng đoạn tuyến qua các địa phương.
Thu hút đầu tư PPP, nâng cấp các tuyến cao tốc đạt quy mô hoàn chỉnh
Ông Lê Văn Đạt, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho rằng, đảm bảo nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông kết nối CHK quốc tế Long Thành, việc thu hút vốn xã hội hoá, đầu tư theo phương thức PPP rất quan trọng.
Hiện nay, các tuyến giao thông chính kết nối CHK Long Thành đều đã sơ bộ kêu gọi đầu tư hoặc đã được bố trí vốn ngân sách Nhà nước đầu tư. Phương thức PPP cần được định hướng đối với dự án đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc đã được đầu tư phân kỳ nhưng chưa đạt quy mô quy hoạch như: Bến Lức – Long Thành, Biên Hoà – Vũng Tàu, các cầu kết nối…
Để thu hút được đầu tư, cơ quan có thẩm quyền cần hoàn thiện khung pháp lý về hợp tác công – tư (PPP): Đảm bảo minh bạch, rõ ràng trong các điều khoản hợp đồng PPP; quy định chi tiết về chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt về doanh thu, thay đổi chính sách, và biến động kinh tế; cam kết về mức giá dịch vụ giao thông ổn định, điều chỉnh hợp lý theo lạm phát; Cơ chế bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho các dự án xã hội hóa…