Méo mặt vì giá thuê chung cư tăng
HÀ NỘINhận thông báo tiền thuê căn hộ chung cư tăng thêm 2 triệu đồng từ tháng 8, vợ chồng Thu Thảo choáng váng.
Cặp vợ chồng quê Nam Định có một con 4 tuổi thuê nhà ở khu đô thị Thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm) hai năm trước. Giá ban đầu 7,5 triệu đồng cho căn hộ 70 m2, đủ trang thiết bị, “chỉ cần xách vali vào ở”. Tháng 8 năm ngoái đến đợt gia hạn hợp đồng mới, chủ nhà thông báo tăng thêm một triệu đồng vì “mặt bằng chung nó thế”.
Họ đành chấp nhận vì đã quen sống ở đây. Đầu tháng này, chủ nhà lại báo giá thuê tăng hai triệu. Đóng tiền ba tháng một lần nên họ sẽ cần chuẩn bị 31,5 triệu đồng. “Năm nay kinh tế khó khăn, cái gì cũng tăng mà thu nhập lại giảm. Khoản tiền nhà thực sự là gánh nặng”, Thu Thảo, 29 tuổi, nói.
Thuê căn hộ ở quận Cầu Giấy giá 8 triệu đồng ổn định suốt hai năm qua, Lan Thương (26 tuổi) và hai người bạn nói “chưa hoàn hồn” vì mới được thông báo phòng sẽ tăng lên 11 triệu đồng từ tháng 9. Chủ nhà nói nếu không đồng ý cần chuẩn bị chuyển đi sớm bởi nhiều khách đang muốn thuê, sẵn sàng đóng tiền cả năm.
Thấy giá cho thuê tại quận trung tâm có xu hướng tăng cao, Thương khảo sát các khu vực vùng ven như Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, song cũng không có nhà rẻ hơn. “Chúng tôi tính chuyển sang chung cư mini hoặc về vùng ven nhưng quen sống trong không gian rộng rãi, gần trung tâm nên đành thắt chặt chi tiêu bù cho khoản tiền nhà”, cô gái chia sẻ.
Khảo sát nhanh của VnExpress cho thấy, giá thuê căn hộ chung cư tại Hà Nội đang có xu hướng tăng mạnh, nhất là ở các quận gần hoặc trong trung tâm. Mức tăng trung bình từ 1-3 triệu đồng mỗi tháng so với thời điểm đầu năm 2022. Ví dụ, một căn hộ hai phòng ngủ, diện tích 70 m2, giá thuê hiện tại ở khu Thành phố giao lưu (Bắc Từ Liêm) từ 10-12 triệu đồng, tăng 20%; Ciputra (Tây Hồ) từ 14-16 triệu đồng, tăng 25%; Imperia Garden (Thanh Xuân) từ 13-14 triệu đồng, tăng 15%; Vinhome Smart City (Nam Từ Liêm) từ 8-10 triệu đồng, tăng 25%.
Mức giá này được nhiều người cho là chạm ngưỡng hoặc bắt đầu vượt “ngưỡng chịu đựng” của các hộ gia đình thành thị. Kết quả Khảo sát mức sống dân cư 2022 của Tổng cục Thống kê cho biết, thu nhập bình quân ở khu vực thành thị đạt gần 5,95 triệu đồng một người (tăng 10,4 điểm % so với 2021), thấp hơn nhiều mức tăng giá thuê nhà. Trong khi đó, kết quả khảo sát cho thấy nhu cầu về chất lượng nhà ở của các hộ gia đình cũng tăng cao rõ rệt. Năm 2022, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 27,2 m2, tăng 1,9 m2 so với năm 2020 và tăng 9,3 m2 so với năm 2012.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết nhu cầu thuê chung cư của các hộ gia đình trẻ, hoặc người thu nhập ổn định đang tăng đặc biệt sau đại dịch. “Mức giá bán và cho thuê căn hộ từ thấp cấp đến cao cấp tại quý 1 và 2 năm 2023 tăng phi mã, cung không đủ cầu”, ông Tuấn nói.
Theo báo cáo của Savills Việt Nam, nửa đầu năm 2023, giá thuê căn hộ tiếp tục ghi nhận tăng 3% sau mức tăng 2% của năm 2022. Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam mới đây cũng cho thấy trong quý đầu năm 2023, nhu cầu tìm mua chung cư cao cấp tăng 70%, trung cấp tăng 45% và bình dân tăng 65% so với cuối 2022.
Ông Tuấn cho biết điều này xuất phát từ ba lý do chính. Một là do các doanh nghiệp hoạt động trở sau đại dịch, khiến người dân các tỉnh và khách nước ngoài quay trở lại thành phố làm việc hoặc du lịch lớn, từ đó nhu cầu tìm chỗ ở tăng. Hai là việc thắt chặt các chính sách quản lý, chủ đầu tư không thể dùng đòn bẩy tài chính hoặc hạn chế về tiềm lực tài chính sẽ khó tiếp cận thị trường bất động sản. Ba là ảnh hưởng của đại dịch khiến nhiều người không đủ khả năng mua chung cư nhưng vẫn muốn hưởng các tiện ích, nên tiếp tục chọn đi thuê.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết thêm hiện nay xu hướng của người trẻ là tách khỏi gia đình để chủ động kinh tế cùng ưu tiên không gian sống tiện nghi, nên nhu cầu thuê chung cư từ nhóm khách trẻ được ghi nhận khá lớn.
Để ổn định thị trường giá nhà cho thuê, mới đây Bộ Xây dựng đã triển khai đề án đầu tư ít nhất một triệu căn nhà xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Nhưng trước mắt, vì giá căn hộ nội đô tăng, người đi thuê phải cắn răng chịu đựng hoặc chuyển sang phòng ít tiện nghi hơn. Nhiều người buộc phải chuyển ra các vùng ven đô.
Gia đình anh Thanh Tùng ở quận Thanh Xuân nằm trong số này. Đầu năm, do có con thứ hai, vợ chồng anh quyết định chuyển từ phòng trọ 30 m2, giá 3,5 triệu đồng mỗi tháng lên chung cư. Ban đầu, anh tính thuê quanh khu vực Cầu Giấy để tiện đi làm, ngân sách khoảng 8-9 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng tìm đỏ mắt không thấy căn nào mức giá tương tự, buộc anh phải chuyển ra ngoại thành.
Hiện anh thuê một căn hai phòng ngủ 58 m2 mới đi vào sử dụng ở Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm), giá 8 triệu đồng mỗi tháng, chủ nhà yêu cầu đóng theo năm cộng với tiền cọc trước ba tháng. “Chi liền 120 triệu đồng là quá lớn, nhưng nếu tôi không chốt nhanh sẽ có người thuê mất. Đành ở tạm một năm, chứ giá nhà cao như vậy chẳng biết bao giờ mới đủ tiền mua nhà”, người đàn ông 35 tuổi nói.
Gia đình Thu Thảo cũng chọn phương án ở xa hơn, dù đã thuyết phục được chủ cũ giảm cho 500.000 đồng mỗi tháng. “Giá thuê một căn tương tự, nội thất cơ bản ở khu An Phú (Hoài Đức) là 7,5 triệu đồng, thấp hơn 3 triệu so với căn đang ở”, Thảo cho hay.
Chuyển đến nhà mới từ đầu tháng 8, quãng đường đi làm từ 3 km nay tăng lên 13 km, thời gian đi lại tăng lên cả tiếng trong trời nắng mưa thất thường những ngày qua khiến Thảo mệt và nản.
“Mấy hôm nay tôi phải xin tan làm sớm để về đón con, chứ từ hôm chuyển về đây cháu toàn bị đón muộn”, bà mẹ trẻ cho hay.