Giải bài toán tỷ giá, lạm phát và lãi suất năm 2023

Giải bài toán tỷ giá, lạm phát và lãi suất năm 2023

Giải bài toán tỷ giá, lạm phát và lãi suất năm 2023

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, giải bài toán vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2023 thực tế không quá khó, chỉ cần sự phối hợp đồng bộ của chính sách tiền tệ và tài khoá là có thể vừa giảm lãi suất mà vẫn kiểm soát được lạm phát.

Tỷ giá ổn định nhất, lạm phát thấp nhất và lãi suất cao nhất!

2022 có thể coi là năm khá thành công của Việt Nam khi kìm giữ được lạm phát ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế cao. Theo ông đâu là những điểm sáng và dự báo năm 2023?

TS.Lê Xuân Nghĩa: Điểm sáng năm 2022 có thể nói là: Tỷ giá hối đoái ổn định nhất thế giới; lạm phát tăng thấp nhất thế giới; và tăng trưởng kinh tế nằm trong nhóm cao nhất nhất thế giới. Nhưng đi song hành với đó là 2 điểm tối. Thứ nhất là lãi suất cao nhất thế giới – cao một cách vô lý; và thứ 2 là cung tiền quá thấp sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế ít nhất 2 quý đầu năm 2023.

Cụ thể, nếu so với Mỹ, do lạm phát tăng nhanh (khoảng 8% năm 2022) thì nước này mới tăng nhanh và mạnh lãi suất lên mức 3,5-4%. Nhưng như vậy lãi suất của Mỹ vẫn là thực âm khi lạm phát cao hơn lãi suất. Còn Việt Nam, lạm phát mới chỉ tăng 3,15% mà lãi suất trên thị trường lên tới 13-14%, thì lãi suất thực dương tới 16-17%, về mặt lý thuyết điều này là không lý giải được. Điều này cũng cho thấy, công cụ bơm hút tiền tệ có vấn đề lớn. Thuần tuý về kỹ thuật điều hành là chưa tốt vì lạm phát tăng cao thì mới phải tăng lãi suất để kìm hãm, còn lạm phát tăng thấp mà vẫn tăng lãi suất là vô lý.

Thực tế trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua 2 năm dịch bệnh, doanh nghiệp còn đang rất khó khăn, nay tiếp tục phải chống chọi với mức lãi suất thực quá cao là đẩy doanh nghiệp vào đường cùng. Đặc biệt, động thái tăng room tín dụng của Ngân nhà Nhà nước mới đây trong bối cảnh thanh khoản đang căng thẳng, Ngân hàng Nhà nước lại không tăng cung tiền chỉ càng khiến cuộc đua lãi suất huy động trở nên “nóng” hơn khi các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất để “gom” tiền trong dân.

Nếu nói vì sợ lạm phát mà phải duy trì lãi suất cao, thắt chặt tiền tệ ở nước ta là có phần khiên cưỡng, không sát với thực tế. Cần khẳng định rằng, lạm phát ở Việt Nam năm 2022 và cả năm 2023 sẽ không chịu tác động từ chính sách tiền tệ do tăng trưởng cung tiền M2 năm 2022 quá thấp. Lạm phát không đến từ yếu tố tiền tệ, trong khi thắt chặt tiền tệ khiến tiền không đủ trong lưu thông lại là nguyên nhân chính dẫn tới việc lãi suất tăng cao.

Thực tế nguyên nhân quan trọng nhất góp phần chống lạm phát năm 2022 là quyết định giảm thuế xăng dầu, từ đó làm giảm giá hàng nhập khẩu, giúp giảm giá xăng dầu trong nước của Bộ Tài chính thời gian qua vì xăng dầu chiếm tới 60% tổng giá cả nhập khẩu. Sang năm 2023, lạm phát có được kiểm soát tốt hay không cũng sẽ dựa phần lớn vào là quyết định của Bộ Tài chính xem có duy trì chính sách giảm thuế nhập khẩu cho các mặt hàng, đặc biệt là xăng dầu nữa không hoặc giá hàng hoá thế giới có tiếp tục tăng cao không, chứ không phải là chúng ta có tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt hay không.

Tăng cung tiền để giảm lãi suất và giảm thuế nhập khẩu để giữ lạm phát

Vậy có thể làm gì vào năm 2023 để giảm lãi suất và hỗ trợ tăng trưởng, thưa ông?

TS.Lê Xuân Nghĩa: Cần nhìn nhận thực tế rằng, tăng trưởng kinh tế đã giảm dần từ quý IV/2022 và sẽ tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2023 khi cung tiền tệ năm 2022 quá thấp. Cung tiền tệ cả năm 2022 chỉ tăng 7% khi GDP tăng trưởng hơn 8%, trong khi năm ngoái tăng trưởng GDP là 2,4% nhưng cung tiền lên tới 11%. Cung tiền có độ trễ so với tăng trưởng kinh tế. Nên thực ra tăng trưởng 2 quý đầu năm 2022 phần lớn hưởng lợi từ cung tiền tăng mạnh trong khoảng tháng 11 năm 2021. Cũng vì vậy, tăng trưởng GDP 2 quý đầu năm 2023 sẽ thấp do cung tiền năm 2022 quá thấp.

Theo lý thuyết, cung tiền quá thấp thường dẫn tới 2 hệ quả. Một là tăng trưởng kinh tế sụt giảm, hai là lạm phát giảm. Nhưng thực tế, lạm phát của Việt Nam năm 2023 sẽ không được kiềm giữ bởi cung tiền vì lạm phát chủ yếu do giá nhập khẩu hàng hoá tăng, lạm phát thế giới vẫn cao. Vì vậy, cung tiền giảm ở nước ta chủ yếu sẽ làm lãi suất tăng cao, đánh thẳng vào hoạt động của doanh nghiệp, kéo theo đó là tình trạng nợ đọng, chiếm dụng vốn giữa các doanh nghiệp, làm giảm tăng trưởng GDP mà không có tác động tới lạm phát. Nói cách khác, việc thắt chặt cung tiền năm 2022 và sắp tới giống như chúng ta tự “lấy đá ghè chân mình”. Muốn giải được bài toán lãi suất rất cần một cách tiếp cận mở hơn từ phía cơ quan làm chính sách, để có thể hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chúng ta thường nhắc tới kỳ vọng về đầu tư công với hàng trăm ngàn tỷ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chờ được giải ngân. Tuy nhiên, cần nhìn vào thực tế rằng, giá nguyên vật liệu xây dựng đầu vào đã tăng rất mạnh trong thời gian qua, cùng môi trường lãi suất cao khiến doanh nghiệp càng làm càng lỗ vì đa số làm đầu tư công là ứng trước vốn, nhà thầu phải vay vốn ngân hàng để hoàn thành công trình rồi mới được quyết toán và quá trình quyết toán có khi kéo dài tới vài năm.

Một số nhà thầu xây dựng lớn chia sẻ, họ không “dại” đẩy nhanh tiến độ sản xuất, tăng doanh thu vì càng làm càng lỗ. Họ chỉ cố gắng duy trì để đủ tiền trả cho nhân công. Có đơn vị ngay cả khi đã giải phóng xong mặt bằng cũng không muốn làm vì làm cũng không có lãi.

Một con số đáng lưu ý nữa là tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam năm 2022 rất cao. Tình trạng đặc biệt đáng chú ý với TP.HCM – do chủ yếu là sản xuất công nghiệp nhẹ như giầy da, dệt may, với một lượng lớn công nhân phải nghỉ việc do đơn hàng giảm. Như vậy thì CPI thấp hay tăng trưởng GDP cao không còn nghĩa lý.

Muốn hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thực chất cần giải được vấn đề phi lý tồn tại hiện nay là “lạm phát thấp, tỷ giá ổn định nhất nhưng lãi suất lại cao nhất thế giới”.

Muốn giảm được lãi suất cần cân bằng cung tiền, phối hợp cung tiền với chính sách tài khoá. Tức là vừa tăng cung tiền để lãi suất giảm nhưng phải vừa sử dụng chính sách tài khoá để giảm thuế nhập khẩu, giúp giảm giá hàng hoá, giữ ổn định lạm phát. Cần sự phối hợp vì hiện tại lạm phát cơ bản đã khoảng 5%, nếu tăng cung tiền, một mặt làm giảm lãi suất nhưng một mặt sẽ làm lạm phát tăng, vì vậy phải có sự đồng bộ của chính sách tài khoá để kìm giữ lạm phát như năm 2022.

Với giải pháp trên, giảm thuế nhập khẩu thực tế vừa có lợi cho nhà sản xuất nhập khẩu nguyên vật liệu vừa có lợi cho sản xuất kinh doanh khi lãi suất thấp. Đó là biện pháp cốt lõi để vừa giảm lãi suất vừa kiểm soát được lạm phát trong năm 2023.

Xin cảm ơn Ông!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914 297 695