Đua tiến độ mở đường kết nối sân bay Long Thành
Danh mục
Tiến độ xây dựng các đường giao thông kết nối với sân bay Long Thành đang được đẩy nhanh, đảm bảo đồng bộ với thời điểm đưa Cảng Hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác năm 2026.
Thêm nhiều hướng kết nối
Có mặt tại khu vực triển khai tuyến đường T1 và T2 huyện Long Thành, Đồng Nai vào một ngày đầu tháng 10, PV ghi nhận, nhà thầu đã điều động một số máy móc như xe cuốc, xe ủi… để san lấp mặt bằng, triển khai dự án.
Do mới bàn giao mặt bằng chỉ vài tháng, nhà thầu chỉ mới kịp xong công tác chuẩn bị lán trại, huy động thiết bị, công địa trên công trường chưa nhiều. Địa phương cũng đang tích cực đẩy nhanh đề tiếp tục bàn giao những mặt bằng còn lại.
Đường T1 có ý nghĩa quan trọng kết nối trực tiếp từ quốc lộ 51 và T2 nối từ cao tốc TP.HCM – Dầu Giây vào sân bay Long Thành. Đây cũng là tuyến đường công vụ để vận chuyển thiết bị phục vụ thi công nhà ga, vì vậy được chủ đầu tư ưu tiên đẩy nhanh thi công.
Cách đó không xa, tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành đoạn huyện Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai) đã nhộn nhịp thi công sau khi tái khởi động vào giữa năm. Tại hai gói thầu A6, A7 hàng trăm máy móc, nhân lực được huy động đến công trường. Theo đơn vị thi công, toàn bộ gói thầu A6 dự kiến quý II/2024 sẽ hoàn thành toàn bộ.
Dù thời tiết nắng mưa thất thường nhưng khu vực thi công hạng mục của gói thầu A7 cũng nhộn nhịp không kém. Nhiều hạng mục đã dần lộ diện thành hình một tuyến đường cao tốc kết nối Đông Tây. Tại khu vực gói thầu A7 có khoảng 200 cán bộ, kỹ sư, giám sát và công nhân cùng nhiều máy móc phục vụ thi công.
“Thời gian qua anh em bám trụ lại công trường làm ca kíp, thi công xuyên lễ 2/9 để đua tiến độ. Nhờ vậy phần cầu Thị Vải trên tuyến đã thành hình, phần cầu dẫn cũng thi công xong mặt cầu 100%, chuẩn bị thảm bê tông nhựa. Phần đường thuộc gói thầu đến nay cũng được phối đá dăm, chuẩn bị cuối năm 2023 sẽ thảm bê tông nhựa”, anh Văn Nam, công nhân đang thi công trên công trường cho biết.
Theo ông Nguyễn Thiện Đạt, Giám đốc điều hành gói thầu A7, hiện gói thầu A7 đã hoàn thành hơn 78%, còn khoảng 22% khối lượng vẫn tiếp tục được tăng tốc, dự kiến về đích cuối 2023.
Tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành khi hoàn thành sẽ kết nối quốc lộ 51 (Đồng Nai) với cao tốc TP.HCM – Trung Lương đoạn qua huyện Bến Lức tỉnh Long An. Toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào tháng 9/2025, lúc đó người dân miền Tây có thể đến sân bay Long Thành thuận lợi, không phải đi ngang qua TP.HCM đông đúc, kẹt xe.
Cùng với đó, tuyến cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu sau ngày khởi công cũng đã đẩy nhanh các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng. Đoạn qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã giải phóng được 80% diện tích. Tỉnh cũng có kế hoạch mở rộng đường từ nội ô thành phố Bà Rịa kết nối đến cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu để giúp người dân đi đến sân bay Long Thành thuận lợi.
Tại Đồng Nai, việc giải phóng mặt bằng có chậm hơn, mới chỉ đạt 6%. Tại nhiều nơi, công nhân đang cưa cây cao su, chính quyền kiểm kê đất đai, tài sản để bồi thường hỗ trợ tái định cư cho người dân.
Một dự án quan trọng khác là cầu Nhơn Trạch, thuộc vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch giai đoạn 1 đã được khởi công 2 năm nay. Theo kế hoạch, cầu Nhơn Trạch sẽ hoàn thành vào dịp 30/4/2025, tuyến vành đai 3 cũng sẽ hoàn thành năm 2026. Khi đó từ TP.HCM qua Nhơn Trạch sẽ có thêm một hướng kết nối, người dân từ TP.HCM đến sân bay Long Thành cũng thuận tiện hơn.
Đường tỉnh cũng mở rộng để kết nối
Theo quy hoạch điều chỉnh giao thông của tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, nhiều tuyến đường được đề xuất mở mới, mở rộng và nâng cấp, lấy sân bay Long Thành làm trung tâm để kết nối. Tỉnh cũng đã quy hoạch mở mới 4 tuyến đường kết nối các địa phương đến khu vực sân bay Long Thành nhằm giảm tải cho các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn.
Trong đó, đường 770B có tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng, kéo dài từ đoạn giao với đường tỉnh 763, thuộc huyện Định Quán (Đồng Nai) đi qua các huyện Định Quán, Thống Nhất, Long Khánh, Cẩm Mỹ và đến quốc lộ 51. Đây là tuyến đường chiến lược, trục giao thông chính quan trọng kết nối các huyện, thành phố với sân bay Long Thành.
Ngoài ra tuyến 773B cũng là một cung đường quan trọng. Đường này bắt đầu từ đường song hành phía Đông quốc lộ 20 thuộc huyện Thống Nhất đến đường tỉnh 764 thuộc huyện Cẩm Mỹ, tạo kết nối cho khu vực cửa ngõ phía Đông Nam của sân bay.
Còn tuyến đường tỉnh 80B sẽ kết nối từ quốc lộ 1 đoạn thuộc huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đến đường Sông Nhạn – Dầu Giây thuộc huyện Cẩm Mỹ. Đường 780B kết nối quốc lộ 1 qua các huyện Trảng Bom, Thống Nhất đến khu vực cửa ngõ phía Đông sân bay.
Ngoài ra, đường tỉnh 763B cũng sẽ sớm được triển khai từ quốc lộ 56 thuộc huyện Cẩm Mỹ đến nút giao giữa đường huyện (Suối Quýt và đường Phước Bình – Bàu Cạn – Cẩm Đường) thuộc huyện Long Thành.
Theo ông Nguyễn Bôn, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, trong 4 tuyến đường trên, đường tỉnh 770B sẽ được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025. Đường này ngoài kết nối với sân bay Long Thành, còn giúp vận chuyển hàng hóa từ khu công nghiệp Xuân Quế – Sông Nhạn, khu công nghiệp Bàu Cạn – Tân Hiệp… đến cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải. Hiện nay dự án đã được trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi.
Sẽ có 2 tuyến đường sắt kết nối
Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, khi dự án sân bay Long Thành hoàn thành, khoảng 80% lưu lượng hành khách quốc tế đi và đến sân bay Long Thành có nhu cầu đi đến TP.HCM.
Do đó, việc hoàn thiện các tuyến giao thông kết nối sân bay Long Thành với TP.HCM là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh các tuyến hiện hữu đều đang quá tải.
Tại TP.HCM hiện đang đẩy nhanh thi công nút giao An Phú, đây là điểm ùn tắc thường xuyên xảy ra khi phương tiện từ hướng cao tốc về thành phố. Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam cũng đã lập kế hoạch đề xuất mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây từ nút giao An Phú đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
Ngoài các tuyến đường bộ cao tốc, để phục vụ nhu cầu kết nối giao thông cho sân bay Long Thành, có hai tuyến đường sắt gồm đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành và đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ được đầu tư xây dựng.