Sân bay Long Thành dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm 2020, với mục tiêu hoàn thành, đưa vào khai thác giai đoạn 1 chậm nhất năm 2025. Vì vậy, ngay từ bây giờ các đơn vị liên quan cần đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, để có thể hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Cần đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Sân bay Long Thành.
Chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Cảng HKQT Long Thành) được Quốc hội thông qua tháng 6/2015 với tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD), giai đoạn một đến năm 2025 là 114.000 tỷ đồng (5,4 tỷ USD).
Tháng 11/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng. Ngoài Nghị quyết về chủ trương đầu tư và Nghị quyết về thu hồi đất nêu trên, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng giai đoạn của dự án và báo cáo Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư.
Từ giữa năm 2018, Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam đã ký hợp đồng với tư vấn JFV (liên danh giữa các Cty tư vấn của Nhật Bản, Pháp và Việt Nam) để thực hiện gói thầu tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành.
Nhằm cung cấp thông tin về Dự án Cảng HKQT Long Thành tới cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội để đáp ứng tiến độ thẩm tra và đảm bảo tiến độ trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10/2019. Ngày 07/8/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã họp về công tác triển khai dự án Cảng HKQT Long Thành. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải làm việc, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “Đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1”. Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam cần khẩn trương phê duyệt Quy hoạch chi tiết phân khu chức năng theo diện tích Tư vấn kiến nghị trong Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án; đồng thời đánh giá sự hợp lý đối với những hạng mục điều chỉnh bổ sung trong Báo cáo nghiên cứu khả thi để cập nhật vào Quy hoạch trong quá trình thẩm định dự án.
Đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã bổ sung quy hoạch tuyến 1: Kết nối Cảng HKQT Long Thành với Quốc lộ 51; Tuyến 3 kết nối Cảng HKQT Long Thành với Vành đai 4 và cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết thống nhất hướng tuyến và quy mô tuyến 2 kết nối từ cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đến tuyến 1 để kết nối vào Cảng HKQT Long Thành. Đồng thời phối hợp chặt chẽ vói Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Cty cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các đơn vị tư vấn triển khai rà soát, cập nhật quy hoạch hệ thống hạ tầng: Điện, cấp thoát nước, viễn thông, xăng dấu… để phục vụ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng HKQT Long Thành, giai đoạn 1.
Hiện nay, UBND tỉnh Đồng Nai đang triển khai 2 khu tái định cư phục vụ di dời dân cư và kiểm đếm, áp giá, bồi thường 1.810 ha để bàn giao cho Bộ Giao thông Vận tải xây dựng Cảng HKQT Long Thành, giai đoạn 1.
Đối với 02 khu tái định cư tổng diện tích phải GPMB là 364,21ha. Phần đất của Tổng Cty Cao su Đồng Nai: Ban QLDA đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai đã nhận 358,07ha đất của Tổng Cty Cao su Đồng Nai để quản lý, triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng.
Phần đất của các đối tượng khác (6,14ha): Trong đó, 3,06ha đất do UBND xã Lộc An và Bình Sơn quản lý nên không phải đền bù. Đối với 3,08ha đất của 22 hộ gia đình, đã xác nhận xong nguồn gốc đất. UBND huyện đang lựa chọn Tư vấn định giá để lên phương án đền bù cho từng hộ dân.
Phạm vi xây dựng Cảng HK với tổng diện tích phải GPMB là 5.000ha. Đối với diện tích 1.810ha sử dụng cho giai đoạn 1: Ccó tổng số 455 hộ hộ gia đình cá nhân. Đến nay, đã đo đạc, kiểm đếm được 382 hộ. Các trường hợp chưa kiểm đếm được do mua bán, cho tặng, chủ hộ đi vắng, không xác định được địa chỉ cụ thể. Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Long Thành tiếp tục đăng báo theo quy định và tiếp tục triển khai kiểm đếm.
Đối với tổ chức, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh đang tổ chức kiểm đếm để lập phương án đền bù 1.500ha/1.812ha cần GPMB của Tổng Cty Cao su Đồng Nai. Đối với phần diện tích còn lại trong 5.000ha: Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh đang triển khai kiểm đếm mồ mả, 3 tổ chức tôn giáo, 7 Cty doanh nghiệp, 6 cơ quan, trường học quản lý và 4.806/5.283 hộ thuộc diện GPMB của dự án.
Theo Quyết định phê duyệt dự án GPMB của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai cần hoàn thiện, thẩm định, phê duyệt 5 dự án thành phần có cấu phần xây dựng để tổ chức thực hiện. Bao gồm: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư xã Lộc An – Bình Sơn; Các công trình xã hội khu dân cư, tái định cư xã Lộc An – Bình Sơn; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư xã Bình Sơn; Các công trình xã hội khu dân cư, tái định cư xã Bình Sơn; Tái lập hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngoài ranh giới Cảng HKQT Long Thành.
Khó khăn lớn nhất đối với công tác GPMB, theo quy định trước khi ban hành thông báo thu hồi đất thì phải đủ 02 loại bản vẽ: Bản vẽ vị trí, ranh giới, diện tích khu đất bị thu hồi để thực hiện dự án; trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính các thửa đất nằm trong ranh giới khu vực bị thu hồi của dự án.
Hiện tại, theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, bản đồ địa chính các khu vực nằm trong phạm vi GPMB được lập năm 2005 và chỉnh sửa vào năm 2011. Đến thời điểm hiện tại, có hơn 48,4% (2.558/5.283 hộ) số hộ không đầy đủ thông tin về thửa đất, địa chỉ không rõ ràng, không có tên người sử dụng, do các hộ tách nhập, mở đường. Bên cạnh đó, bản đồ địa chính không thể hiện ranh giới thu hồi đất, số hộ phải chỉnh sửa, cập nhật rất lớn (420/450 hộ) trong khu vực GPMB giai đoạn 1. Do vậy, công tác kiểm đếm, đo đạc xác định nguồn gốc đất gặp rất nhiều khó khăn.
Đối với công tác xây dựng hạ tầng các khu tái định cư, hạ tầng kỹ thuật, xã hội; tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng: Nguyên nhân chậm là do phải điều chỉnh Quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với các dự án nêu trên.
Theo Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông – Bộ Giao thông Vận tải, để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Đối với công tác GPMB: Cần tập trung xử lý hồ sơ các thửa đất sai, thiếu hồ sơ, thiếu thông tin làm cơ sở hoàn chỉnh các hồ sơ chuyển xã xác nhận nguồn gốc đất; làm việc thống nhất với các hộ còn thắc mắc có sai khác về diện tích để kiểm tra, xác định lại ranh giới, diện tích làm cơ sở lập phương án để kiểm đếm, áp giá và lên phương án đền bù cho các hộ dân.
Đối với công tác xây dựng hạ tầng các khu tái định cư, hạ tầng kỹ thuật, xã hội; tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng: UBND tỉnh Đồng Nai cần hoàn thiện thiết kế cơ sở của các dự án thành phần sau khi quy hoạch điều chỉnh được phê duyệt, làm cơ sở để lựa chọn Tư vấn thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, phân chia gói thầu để trình duyệt, sớm khởi công trong năm 2019.
Theo Báo Xây Dựng