Trong tương lai, hành khách có thể đến sân bay Long Thành theo 3 tuyến đường bộ và 2 tuyến đường sắt.
Tư vấn (JFV) lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vừa đề xuất phương án kết nối mạng giao thông khu vực sân bay này theo 3 tuyến đường bộ chính.
Tuyến số 1 (dài 3,8 km) kết nối trục chính của sân bay (đầu phía Tây) với quốc lộ 51 có quy mô 10 làn xe chạy chính và 6 làn đô thị song hành, bề rộng 85-120 m. Giai đoạn một, tuyến này sẽ có quy mô 6 làn xe.
Tuyến số 2 (dài 3,5 km) kết nối tuyến số 1 với cao tốc TP HCM – Long Thành -Dầu Giây, quy mô gồm 4 làn xe theo 2 nhánh chạy độc lập, song hành với cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
Tuyến số 3 (dài 8,5 km) kết nối trục chính cảng (đầu phía Đông) với đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, quy mô gồm 8 làn xe chạy chính và 6 làn đô thị song hành, bề rộng 85-115 m.
Các tuyến đường sắt kết nối sân bay Long Thành cũng được tính toán, gồm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành được thiết kế chạy vào đường trục trung tâm sân bay…
Ngoài ra, để đảm bảo tính đồng bộ về lâu dài, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Viện chiến lược của Bộ này cập nhật dự báo nhu cầu giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và nhu cầu giao thông từ Tân Sơn Nhất đến sân bay Long Thành, từ đó đề xuất phương án, điều chỉnh quy hoạch cũng như tiến trình đầu tư hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt theo từng giai đoạn.
Trong tháng 7, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu khả thi cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách mỗi năm, nhà ga hành khách 1,2 triệu tấn hàng hóa.
Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn một là 111.922 tỷ đồng (4,7 tỷ USD), dự kiến năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.
Theo báo VnExpress